3h30 tôi trở mình, rồi 5h30 một lần nữa. Tôi bị đau bụng đi ngoài, và dĩ nhiên tôi biết lý do tại sao. Tối qua tôi bị ói, vì uống hơn hai lon bia Dung Quất một chút. Nếu đúng hai lon thì chắc không sao. Nhưng cũng là do món ốc Cừ càng ăn với bia thì càng ngọt ấy. Tôi ăn hơi nhiều, món đó lạ với bụng, mà lại không có rau gì đi kèm ( rau răm chẳng hạn). Hồi trước lâu lắc tôi bị rồi và tự nhắc mình rồi, nhưng chắc lâu quá nên quên mất.
Mẹ Tr thấy tôi vậy nên cho tôi uống một chén rượu tỏi. Rồi lát sau có mẹ của Tiên mang qua vài viên thuốc. Mẹ Tr bê một tô cháo về bảo tôi ăn rồi uống thuốc. Hi vọng tôi sẽ đỡ hơn, để còn tiếp tục hành trình. Chú B mua vé cho tôi rồi hai chú cháu ngồi uống cà phê đợi tàu xuất bến lúc 8h.
Trên tàu ngồi kế tôi là một cô bé tên Ph cũng người Lý Sơn.
Thế là tôi sắp rời Lý Sơn quê tỏi rồi. Ba ngày trên đảo mà ngỡ đã ngàn năm trôi qua, trở về với đất liền mà như tôi sắp tỉnh một giấc mơ để trở về với thực tại, nơi mà thời gian trôi chảy như dòng sông xiết mạnh quay cuồng. Tôi nhớ những giọt thời gian đọng lại trên huyện đảo Lý Sơn, nơi tôi sống những năm tháng xưa cũ của thế kỷ trước. Rồi đây con tim tôi sẽ thở lại nhịp sống bon chen và vội vã chẳng biết đâu là bến bờ.
Biển êm lên tàu đến Sa Kỳ là 9h hơn một chút. 9h30 tôi theo con đường lớn phơi đầy thóc dọc hai bên đường, chứ không phải là tỏi, về thị Trấn Châu Ổ, ra QL1A về Tam Kỳ thẳng tiến.
Hành trình của tôi qua ngã rẽ vào Cảng Dung Quất và Khu KT Mở Chu Lai, qua Bệnh viện đa khoa TW Quảng Nam đang xây dở.
Tiếc là hôm nay không có cái ảnh nào vì đêm qua đột nhiên U8800 giở chứng, tôi hi vọng chỉ là do phần mềm, reset rom lại là OK, nhưng giờ trước tiên phải backup ảnh mấy ngày qua đã.
Đến trưa tôi nghỉ tại nhà thờ Tin Lành Binh Tú. Mục sư quản nhiệm ở đây là ba của mấy em cùng hội thánh trong Sài Gòn. Tôi lại trở về nhà của mình, và bữa trưa được tiếp đón ( một cách tình cờ) bằng món mỳ Quảng.
Trưa nay tôi nghỉ trong nhà thờ rộng rãi, thoáng mát và sạch sẽ. Không gian tĩnh lặng ru tôi ngủ. Rồi khi thức giấc tôi mang cuốn sách tranh về Chúa Phục Sinh lên nóc nhà thờ ngồi đọc. Từ đây tôi có thể ngắm nhìn ra bao lơn xung quanh về thị trấn và những cánh đồng vàng ươm lúa chín. Từ ngay bên nhà thờ tiếng học sinh nô đùa, đọc bài vọng lại lảnh lót đưa tôi vào ký ức. Hồi cấp một trường tôi ở Hà Nội cũng là trường làng, còn là vách đất, giờ thì khác nhiều quá. Tôi cũng đã lớn lắm rồi. Vậy đó, tôi đi thì tôi nhớ, chứ tôi ngồi lỳ một chỗ thì tôi chả nhớ điều gì. Bình Tú quả đẹp như đôi mắt của một cô gái mà tôi biết, cũng sinh ra tại thị trấn này. Bình Tú rất đẹp.
Tôi chơi đùa với hai con chó Ki Bi, trò chuyện cùng gia đình. Đến 5h thì tôi cùng anh Qu chị H và hai bé con nhà chị Ng đi Hội An.
Gửi xe máy rồi cả đoàn đi bộ vào trong khu phố cổ. Dễ dàng thấy được những nét hoài cổ trên những kiến trúc các ngôi nhà, từ bảng hiệu, bảng tên đường, đến lối chăng đèn. Khắp phố thắp những đèn lồng lung linh rực rỡ. Tôi mê mẩn khung cảnh ở đây, bàn chân như muốn đi vòng quanh đây mãi. Chúng tôi ngồi ăn cao lầu quán Phượng ( chỉ là tên ghi trên bảng thôi), gần ven sông ( chắc là sông Hoài). Họ có một quyển menu có hình với phong phú món ăn, có khi còn đẹp hơn mấy quán ở Thành Phố, mặc dù họ chỉ bán lề đường. Họ không được thắp đèn sáng lên cao, cho nên phải lúi húi mà làm đồ ăn, chiên, cuốn, trộn, xào,v..v…Cái anh béo phụ quán cùng vợ là người ở đây, rất niềm nở và dễ thương với khách ( với người khác thì không biết), là người gốc ở Hội An, và còn chụp ảnh cho chúng tôi. Mỗi lần quán dọn ra là lòng vòng quanh khu này chứ không có cố định. Món cao lầu bao gồm sợi mì vuông ngắn làm từ bột gạo, thịt nạc miếng mỏng, chả ram, rau thơm, và một thứ nước dùng rất ngọt. Đặc biệt sợi mỳ ăn rất bùi. Rồi chúng tôi kêu thêm đĩa hến sào ăn với bánh tráng giòn. Hến sào cũng là món dễ làm, nhưng ăn rất ngon, gồm đậu phộng, thịt con hến,hành tím bẳm, xào lên trộn với rau răm và rắc mè đen.
Hội An đặc biệt nhiều khách nước ngoài. Cách nhanh nhất đến Hội An từ nước ngoài là bay đến sân bay quốc tế Đà Nẵng rồi đi xe xuống Hội An cách chỉ chừng 30km. Phố cổ Hội An quả thực là một nơi “ẩn náu” văn hóa cho những người từ nền văn minh Châu Âu. Và chỉ riêng cái màu đèn lung linh ở đây cũng đã đủ để lôi cuốn họ rồi.
Rồi cả nhà đi qua chợ đồ lưu niệm. Tại đây tôi gặp một cô gái người Đức trước cửa hàng đèn lồng. Cô ấy đang học tiếng Việt, đặc biệt xinh đẹp, và sống ở Sài Gòn, đến Hội An cho kỳ nghỉ. Cô ấy chịu nói tiếng Việt. Chúng tôi nói về Hội An, và tôi hơi tiếc đã không chụp ảnh cùng hoặc mời cà phê, hoặc xin số điện thoại. Và phải nói lại lần nữa, là cô ấy rất xinh.
Tôi nói chuyện phiếm với mấy người bán hàng. Tôi chỉ chọ cách mời chào khách người Pháp đến mua hàng bằng tiếng Pháp. Họ chịu học lắm, lấy điện thoại ra ghi lại, rồi nhắc lại luôn. Lúc ấy, tôi chỉ nhớ ra có “Visitez ma kiosque, svp”. Lâu không xài, tiếng Pháp cũng đã rơi rụng hết rồi, ôi tiếng Pháp của tôi ơi.
Khoảng 9h15 chúng tôi rời Hội An về Đà Nẵng. Tôi muốn ghé lại Hội An lần nữa.
Khoảng 10h là đến thành phố Đà Nẵng rồi nhưng mà còn đi khá xa theo đại lộ Trần Đại Nghĩa rộng thênh thang. Không có U8800 tôi không có máy ảnh, bản đổ, ghi chú, danh bạ đầy đủ, tôi chẳng có gì nhiều, thật là bất tiện.
Khi qua cầu sông Hàn, về ngã ba Huế, tìm đại học Đà Nẵng, tôi ngỡ ngàng về vẻ đẹp của hai bên triền sông lộng lẫy ánh đèn. Nhìn qua cầu Thuận Phước giống như chuỗi ngọc quí tỏa sáng trong đêm. Chắc phải nữa đi dạo ngắm Đà Nẵng cho thỏa lòng mới được.
Tôi không chỉ bị cái đẹp lộng lẫy của Đà Thành choán ngợp, mà bởi sự rộng rãi và quy hoạch tuyệt vời của thành phố này ( mấy đường mà tôi đi qua). Đi mãi tôi mới qua ngã ba Huế và tìm về nhà SV tại đường LVS.
Tôi lại đến nhà, nhà của Cha. Và anh chị em đón tôi niềm nở và ngọt ngào như đón lại đứa em đi xa từ lâu nay trở về.
Viết xong nhật ký thì cũng là 1h. Ngày mai tôi có nhiều việc phải làm ở thành phố này, nên giờ phải đi ngủ thôi. Chúc tôi ngủ ngon.