Hướng dẫn viên sáng nay là chú T, đưa tôi qua gò Mù Cu. Mà sao cô bảo là gò Mù U, mù u thì tôi biết từ hồi còn bé xíu, khi vẫn nghêu ngao hát bài ” sao em nỡ vội lấy chồng”, chứ Mù Cu thì tôi chịu. Có hai cái đèn nhoi ra biển, cái nhỏ tự sáng dùng năng lượng mặt trời, cái lớn thì dùng dầu, tôi không chắc lắm. Nhưng tôi chắc là đi ra đó rất sướng. đứng ở đó thì 355 độ xung quanh là nước, nhìn vào các bãi biển ken kín thuyền bè neo đậu rất là đã. Lúc ra đó có mấy người phụ nữ và trẻ em đang gom các bao rong biển, mà tôi về hỏi cô, thế là chiều cô cho ăn rong sương nấu từ rong biển đó luôn, rong sương với gừng xào đường. Rồi chú T đưa tôi lên đèo ngắm sóng biển. Trước khi lên thì xe xịt lốp. Sáng nay đi có vậy thôi.
|
Tượng hải đội kiêm quân Bắc hải |
|
Đền nhỏ gần bến Tàu, xã An Hải |
|
Xe của tôi đấy, nó ra đảo với tôi đấy |
|
Ruộng hành |
|
Tôi trên ruộng hành |
|
Đẹp không nào? |
|
Đèn lớn, gò Mù Cu |
|
Nhìn vào bến Tàu |
|
Đôi chân lông lá ngâm nước mát |
|
Nhiều đá và rong biển |
|
Bóng du hành gia ... |
|
...Ngắm sóng bạc đầu |
|
Thích thì lao xuống biển, nhưng cảnh đẹp quá, ai nỡ.. |
|
Mày chụp ảnh lúc nào cũng đẹp Jup Lib à |
Tôi ngủ trưa đã đời, khi dậy thì qua cái đình ngay gần nhà. Nó có tên là “Âm linh tự và mộ lính đội Hoàng Sa”. Ngay cạnh là Xưởng thuyền Qui và người ta đang làm thuyền, để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền tháng Chạp. Mỗi huyện có bốn đội Long Lân Quy Phụng, hai huyện An Vĩnh và An Hải tức là tám đội tranh nhau chức vô địch. Không khí làm thuyền hết sức sôi nổi và dĩ nhiên diễn ra trong vùng ngôn ngữ mà họ nói nhanh tôi nghe không nổi, tôi không giỏi ngoại ngữ cho lắm.
Cô mang về ba chén bự rong sương rồi xào gừng với đường, làm cho thầy và tôi ăn. Món này rất ngon, và bổ, và nó là rong sương tự nhiên chứ không phải từ bột, có mùi rong nhẹ và thơm nức của gừng. Tôi ăn vào thấy ấm bụng vô cùng.
|
Rong sương ngon không? |
|
Với Gừng xào |
|
thấp thoáng chim én lượn bay |
|
Hải đăng kìa |
|
Hồ trên núi, đập chắn ngang |
|
Đi trên đập, bên hồ bên biển |
|
Đường vào đập còn đang làm |
|
Gọi là ốc cừ, hay còn gọi là Ốc Cừ. ha ha |
Cuối giờ chiều thầy S đưa tôi ra bên An Hải, lên đèo trên núi Thới Lới, đi tiếp đoạn đường còn dở buổi sáng. Từ trên lưng chừng đèo nhìn ra khơi xa nơi những cánh sóng trông như những chiếc lược trắng xóa liên tục cài vào mái tóc biển, trào ra trên cát trắng. Gió lộng đưa những cánh én chao liệng làm cả vùng biển này thêm sinh động và đẹp đẽ như tiên cảnh. Ngay phía dưới chân là chùa Hang, và tôi gặp tôi ngày hôm qua, đang nhìn từ dưới lên và tưởng tượng trên này có gì, còn tôi hôm nay đang nhớ về ngày hôm qua với xúc cảm mạnh mẽ về cảnh tượng tuyệt diệu nơi Chùa Hang.
Chúng tôi đi lên một lối khách vẫn còn đang đổ bê tông, để vào đập nước. Lối đi khá thô sơ, không có lan can che chắn gì và có cảm giác khá chông chênh ngay nơi đỉnh núi. Nhìn xuống những ruộng tỏi hành trông nhưng những miếng xếp nhiều màu sắc xinh xắn của trẻ con. Nổi lên giữa những ruộng tỏi là ngọn hải đăng ( tôi không leo lên đây vì lúc chiều tối sắp bật đèn nên không được phép lên). Hồ nước khá rộng, vào mùa mưa nước còn dâng cao hơn vài mét, thể tích sẽ gấp vài lần hiện giờ. Việc xây đập giữ nước phục vụ tưới tiêu, chỉ nhìn trực quan thôi cũng thấy là một điều tuyệt vời của con người. Tôi đi ra giữa chắn đập ngắm nhìn hồ núi biển bốn bề, lòng rộn ràng về quê hương Lý Sơn xinh đẹp nơi mà con người hiền hòa mến khách, cảnh vật tươi đẹp mát lành, sản vật biển phong phú.
Trên núi Thới Lới có một trạm quan sát ngày và đêm canh chừng biên giới và hải lãnh của Việt Nam. Các chiến sĩ không tiếp dân ngày thường, và tình thần thì luôn cảnh giác ở mức cao độ. Giữa cảnh sắc tuyệt vời nơi đây, và công việc thì đơn điệu dễ nhàm chán, nhưng các chiến sĩ vẫn giữ tròn trách nhiệm, đề cao công tác, hi sinh cho nước nhà, quả là điều không dễ. Tôi trân trọng hơn cuộc sống hàng ngày của mình, được sống trên đất nước mình, trong sự an toàn và trách nhiệm. Cám ơn các chiến sĩ rất nhiều. Tôi yêu hơn Việt Nam, quê hương tôi. Với hành trình này, Việt Nam trở thành quê hương tôi một cách dung dị và chân thật, vì tôi đã thấy nhiều điều tuyệt vời trên đất nước mình.
Chú S đưa tôi đến Hang Cao, nơi tôi lạc vào miền Châu báu. Tiếc là điện thoại đã hết pin. Châu báu mà tôi gọi chính là những mảnh san hô, vỏ sò ốc phơi đầy trên bãi. Có những mảnh thì đã vụn, có nhiều mảnh còn lớn và trông rất đẹp, nằm ngay dưới hang Cao rộng rãi, vài chỗ lóc tóc nước chảy từ khe trên mái. Nhìn những mảnh san hô tinh tế do bàn tay của tạo hóa như còn đọng trên đó những giọt nặng của thời gian, tôi cảm ơn Chúa nhiều về bàn tay tạo hóa của người trên đất này. Mỗi điều Chúa tạo ra đều tinh tế và xinh đẹp, hầu ban cho con cái loài người của Ngài thưởng thức và sử dụng.
Nhưng chính tôi cũng hơi xấu hổ, dù hai tay đã bốc đầy châu báu rồi mà tôi vẫn ngoái nhìn phía dưới. Mãi tôi mới nhắc mình ngắm cảnh trí nơi đây, kẻo tôi sẽ chẳng có một chút ký ức nào.
Đến tối chúng tôi tập trung nhà chú B ăn ốc Cừ chú đãi cùng bia Dung Quất. Tôi thấy mình ờ Lý Sơn được đón tiếp nồng nhiệt quá, dù là con cái Chúa hay không. Ba ngày với các hướng dẫn viên là người nổi tiếng ở bản địa, là những thầy giáo và bác sĩ ở Lý Sơn, tôi thấy mình hân hạnh vô cùng. Món ốc này tôi chưa từng ăn qua, nhìn thôi cũng đã thấy ngon lành và đã mắt, vì con ốc to quá mà, nhưng cũng chỉ cần gõ nhẹ là thịt ốc rơi ra, chấm muối tiêu chanh, rồi nhấp ngụm bia thì thịt mới thật là ngọt.
11h30 tôi ngủ với cái đầu nặng nhức và cái bụng thì rỗng tuếch, chẳng còn bia mà cũng chẳng còn gỏi tỏi. Tôi không mơ được mà chập chờn đến sáng. Cũng chẳng thấy mệt nữa.
Tôi viết những dòng này khi đang ở Đà Nẵng, và Lý Sơn đã là giấc mơ mà tôi đã tỉnh, nhưng tôi muốn mơ lại vô cùng. Và đám cưới của đôi trẻ ấy tại Lý Sơn, với niềm vui của hai ông bà sui gia hai bên, những chủ nhà Lý Sơn tuyệt vời tiếp đãi tôi, nhất định tôi sẽ trở lại, không còn là đến Lý Sơn nữa, mà là trở về Lý Sơn, giấc mơ tuổi hai nhăm của tôi.