Sáng nay tôi ra bến tàu nhận em Jup Liberte’ của tôi. Xa một ngày mà tôi thấy nhớ nó quá, cũng bởi không có nó thì tôi làm sao hoàn thành nốt chuyến xuyên Việt được. Ba của T qua đón tôi sớm ra bến, trên đường đi qua giếng Suối La nổi tiếng là giếng nước ngọt tràn đầy quanh năm mặc dù ở ngay gần biển. Chú nói là giếng này được khai mở từ thời vua Gia Long.
|
Giếng Suối La trong nắng sớm |
|
Đường ven biển, ra bến Tàu |
Tôi đoảng quá, lại quên chìa khóa xe ở nhà. Chạy về nhà thì 7km lâu quá. Ngại là lại làm phiến chú nữa. Thế là hai chú cháu dắt xe ra quán sửa xe gần đó, tháo ốp trước ngắn mạch điện, rồi cứ thế chạy về nhà. Tôi có thêm kinh nghiệm, nếu mà không mang chìa thì cũng biết cách xoay xở rồi. Trong cái rủi, thế mà hay lại có cái may.
Cô chú mời cơm trưa tôi, cho tôi ăn cá Cam một khúc giữa mà to bằng cả cái đĩa, và món rau sống có giá đậu ván. Giá đậu ván chỉ Lý Sơn mới có, lớn cọng hơn giá đậu xanh hai ba lần. Ăn xong tôi qua nhà ngoại của T, coi thăm cơ ngơi ở đây: hai chuồng chim cút lấy trứng, vài con heo, một đàn gà đá đang còn nhỏ. Nhà ngoại có một con chó đẹp lắm, mà khôn nữa, thấy tôi là khách nhưng là khách đẹp ( theo kiểu đẹp trai) nó không có sủa. Rồi hai ông sui gia tương lai dẫn tôi đi thăm chùa Đục. |
Tấp nập lấy nước Giếng Tiên |
|
Tượng Bà xa xa giữa đồng Mộ |
|
Đường lên Chùa vẫn đang dở dang |
Lối vào chùa Đục đi qua một ngôi chùa đang xây dở có tượng một con phụng hoàng đậu trên mái trông khá đặc biệt. Chùa Đục nằm trên vách núi, gọi là đỉnh Liêm Sơn, ngay trước là tượng Quan Âm cao xx mét nhìn hướng ra biển, nằm giữa một đồng mộ. Trên lối đi có rất nhiều cây dứa rừng tôi chưa thấy bao giờ, dứa này hình như có thể làm thuốc chữa bệnh sỏi thận, cái này để y học nghiên cứu thêm, còn tôi đi ngắm cảnh tiếp. |
Dứa rừng |
|
Hường nhìn cùng Quan Bà |
|
Thơ về đỉnh Liêm Tư |
|
Lòng trảo thiên thai, trải dài cùng gió |
|
Hòn đá lớn, đứng ngắm biển mải mê từ bao lâu, mà vẫn còn đứng ngắm.. |
Lối đi lên đỉnh núi dẫn tôi đến cái gọi là “Sân Vận Động thế giới”, thầy nói vui như vậy. Đó là lòng núi lửa tắt từ lâu rồ, tạo thành một lòng chảo. Giữa lòng chảo rất phẳng, mọc nhiều bụi dứa dại khắp nơi. Có một triền cỏ rộng nhìn ra biển, chỉ chạy xuống thôi mà cảm giác rất đã. Tôi thấy mình như sống lại cảm giác hồi xem bộ phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”. Có một tảng đá ngay giữa triền cỏ đó, ngồi trên đó mà ngắm ra biển thì mãi cũng không biết chán. Tôi đang ngẩn ngơ ngắm nhìn quang cảnh là tạo vật vĩ đại của Chúa thì một cánh én liệng qua. Cánh én liệng rất nhanh và sà xuống sát cỏ, rồi lại lượn lên như nô giỡn. Tôi không thấy én đậu bao giờ, nó cứ lướt hoài như vậy, thi thoảng phơi cái bụng trắng khi đang lướt. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy chim én mà nó lại lượn sát ngay gần như vậy. Tôi được nghe về cánh en mùa xuân qua thơ nhạc sách nhiều nhưng đây mới là cánh én mùa xuân thật của tôi. Ước chi tôi có thể là cánh én chao liệng khi xuân về, để thả sức nô giỡn với cỏ và nắng, thả mình theo gió và sóng biển giữa trời cao - Tôi sẽ thấy mình tự do. Những ngày ở Lý Sơn, khi lên những đỉnh núi tôi hay thấy chim én, có khi là một đàn vài con nhưng thường thấy chim én bay lẻ hơn, có lẽ tổ của chúng ở gần đây. |
Mỏm này sẽ nhắc tôi nhớ về Lý Sơn huyện đảo |
|
Phụng Hoàng đậu trên nóc ngôi Chùa |
Bữa ăn tối tôi được ăn một món cá lạ: Nhói xanh. Vì xương nó xanh mà nó có cái mũi nhọn đâm vào đau nhói nên người ta gọi là cá nhói xanh, dễ nhớ nhỉ. Nhưng khi bày lên đĩa thì tôi không thấy cái mũi nhọn nhưng xương thì đúng là xanh. Cá ăn ngọt thịt, hơn so với những biển phía dưới như Quy Nhơn hay Nha Trang, vì biển miền Trung này nước mặn hơn ( theo lời kể của chuyên gia, tôi không nếm nước biển nên không biết). Rồi tối ngồi xem phim với thầy cô, cũng chả viết lách hay làm gì cả, để dành pin điện thoại mai chụp ảnh và laptop thì không có điện mà xài, còn tivi thì chạy bằng bình tích điện.
Thầy đưa tôi qua nhà mục sư Tín nhưng mục sư chưa về, ngồi nói chuyện với cô một chút rồi chúng tôi về. Tôi đi ngủ sớm.