MẶC DÙ ĐỘI NGŨ QUẢNG CÁO LÀNH NGHỀ CÓ DẪN DẮT CHÚNG TA TIN vào điều ngược lại, thì trong các nền kinh tế dựa trên tiền tệ ngày nay, việc con người liên tục đưa ra những công nghệ mới lại hiếm khi quan tâm tới việc chính là giới thiệu công nghệ. Trong một hệ thống tiền tệ, mục đích chính là lợi nhuận: để duy trì vị thế cạnh tranh, và tới cuối cùng thì lợi nhuận là tất cả những gì quan trọng. Các vấn đề về xã hội và sức khỏe nảy nòi từ việc người ta thất nghiệp hàng loạt bởi tự động hóa được xem là không quan trọng, giả như nó có được xem xét tới.
Bất cứ nhu cầu nào của xã hội mà có thể thỏa mãn được đều là thứ yếu so với việc thu được lợi nhuận cho công việc kinh doanh. Nếu lợi nhuận này là không đủ, dịch vụ đó sẽ bị rút bỏ. Mọi thứ đều không quan trọng so với việc tăng khoản chia cho các cổ đông. Một xã hội dựa trên tiền sẽ không thấy hứng thú trong việc sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ để cải thiện đời sống của người dân, cũng như các điều luật do con người tạo ra có hiệu lực không phải là để bảo vệ cuộc sống của các công dân.
Mọi hệ thống kinh tế của thế giới - chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít, và ngay cả hệ thống tư bản chủ nghĩa tự do kinh doanh của chúng ta (Hoa Kỳ) - đều nhằm duy trì sự phân chia giai cấp, sự phát triển các tầng lớp tinh hoa, quốc gia chủ nghĩa và phân biệt chủng tộc, chủ yếu dựa trên sự khác biệt về mặt kinh tế. Chừng nào một hệ thống xã hội còn dùng tiền hay sự đổi chác, thì con người và các quốc gia sẽ vẫn tìm kiếm lợi thế chênh lệch bằng cách duy trì vị thế cạnh tranh về mặt kinh tế của chúng hoặc bằng sự can thiệp quân sự.
Chiến tranh cho thấy sự thất bại tột cùng của các quốc gia trong việc giải quyết các khác biệt giữa chúng. Xét từ một điểm nhìn hoàn toàn thực tiễn, nó là một sự phí phạm mạng sống và sử dụng tài nguyên kém hiệu quả nhất từng được nghĩ tới. Sự gắng sức mang tính thô bạo và bạo lực nhằm giải quyết các khác biệt giữa các quốc gia này thậm chí còn khoác lên những âm hưởng đáng ngại hơn với sự ra đời của các hệ thống phóng bom nhiệt hạch tinh vi được máy tính hóa, của các căn bệnh và hóa chất chết người, và sự đe dọa phá hoại hệ thống máy tính của cả một quốc gia. Ngay cả khi các quốc gia mong muốn hòa bình, thường thì họ đều thiếu tri thức để đi đến được các giải pháp hòa bình.
Chiến tranh không phải là hình thức bạo lực duy nhất áp đặt lên người dân bởi các thiết chế xã hội không tương xứng. Còn có đói, nghèo và sự khan hiếm. Việc sử dụng tiền và sản sinh ra nợ nuôi dưỡng sự bất an về kinh tế, là cái duy trì tội phạm, tình trạng vô pháp và sự oán thán. Các tuyên cáo và thỏa ước cũng chẳng thể thay đổi được tình trạng khan hiếm và bất an, và chủ nghĩa quốc gia có khuynh hướng chỉ kéo dài thêm sự chia cắt giữa các quốc gia và con người trên thế giới.
Một hiệp ước hòa bình không thể ngăn một cuộc chiến khác nổ ra nếu các nguyên nhân nằm bên dưới không được đả động tới. Các khía cạnh không thể thực hiện được của hệ thống luật quốc tế có xu hướng đóng băng mọi sự như hiện trạng. Các quốc gia đã từng chinh phục đất đai trên khắp thế giới bằng vũ lực và cưỡng bức sẽ vẫn giữ vị thế có lợi về lãnh thổ và tài nguyên của mình bất chấp các hiệp ước. Những thỏa ước như thế chỉ có tác dụng tạm ngưng xung đột mà thôi.
Nhưng việc tập trung sức lực của chúng ta vào các cố gắng mang tính không sinh lợi và không sáng tạo dẫn đến sự phí hoài sự sống cũng chắc chắn như chiến tranh vậy. Trong suốt chiều dài lịch sử chúng ta đã sống qua các thời kỳ được đặc trưng bằng các cuộc đời bị sống hoài sống phí, trong đó tiềm năng của đại đa số không được nhận ra hay sử dụng một cách hoàn toàn. Thời gian, nỗ lực và trí óc bị phí phạm trên hành trình theo đuổi tiền bạc trong những ngành nghề chẳng đóng góp được gì cho trí tuệ hay điều kiện sống của con người.
Từ khởi đầu sớm nhất của nền văn minh cho tới hiện tại, hầu hết con người đều phải làm việc để kiếm sống. Thái độ của chúng ta về công việc có thể là một sự rơi rớt từ những thời kỳ ban đầu.
Trong suốt hàng ngàn năm tồn tại của hệ thống tiền tệ, hầu hết các nhân công chỉ được trả đủ để khiến cho việc họ quay trở lại làm việc trở nên cần thiết, ngay cả khi có thể trả mức lương cao hơn. Còn có cách nào khác mà người trả lương có thể giữ cho công nhân quay trở về làm việc đây? Nếu các nhân viên nhận được số tiền lương cho phép họ làm việc chỉ vài tuần và rồi nghỉ làm, lên du thuyền đi quanh thế giới, cho phép họ có kỳ nghỉ phép kéo dài hay cho họ một vài điều xa xỉ khác nữa, các kế hoạch sản xuất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ngay cả những người có trình độ học vấn cao và giàu có, những kẻ sống trong những căn nhà đắt tiền, lái những chiếc xe hơi mắc mỏ cũng phải xuất hiện tại một nơi làm việc nào đó nếu muốn duy trì được tiêu chuẩn sống của mình. Tất cả chúng ta, ngay cả những nhà điều hành cao cấp, đều là những kẻ nô lệ cho hệ thống tiền tệ. Hầu hết ở chúng ta đều thiếu vắng một sự tồn tại có ý nghĩa. Chúng ta ở lại với những công việc mình ghét để có thể mua được thêm nhiều thứ đồ mà chúng ta không cần tới, hay để kéo dài thời gian kiếm tiền nhờ đó chúng ta có thể thoát khỏi cái nguyên do mà từ ban đầu chúng ta nghĩ là mình cần phải có một kỳ nghỉ.
Trong thế giới làm việc mỗi ngày, nhiều người trong chúng ta đang cuống cuồng cố làm sao để nổi được trên mặt nước, chi trả cho các khoản mua xe, mua nhà và các món sở hữu vật chất, những thứ nô dịch cơ thể và tâm trí, trong một nỗ lực không ngừng để đảm bảo cho tương lai chúng ta. Mặc dầu ngày hôm nay có nhiều người mang về nhà được nhiều tiền hơn, nhưng lạm phát đã làm suy giảm sức mua của hầu hết mọi người rồi. Chúng ta bị mắc kẹt trong một trò chơi vượt lên trước mà không nghĩ gì tới chuyện chúng ta đang cố gắng vượt lên trên cái gì hay lên trên ai. Hầu hết trong chúng ta không bỏ thời gian ra để nghĩ về cuộc sống của chính mình và về việc chúng ta liên quan thế nào với nhau, hay với cái, với con người mà chúng ta thực sự là.
Ngay cả những kẻ có được sự đảm bảo về kinh tế cũng say mê, mắc nghiện hình ảnh về thành công cá nhân do truyền thông tạo ra. Khi chúng ta đạt được mục tiêu kinh tế đầu tiên, chúng ta lại muốn thêm - du thuyền, nhà nghỉ và một chuyến đi chơi nước ngoài. Trong thế giới của bạc tiền, ngay cả những ước mơ của chúng ta bị chia thành khẩu phần. Chúng ta bắt đầu với "Giá mà tôi có thể kiếm đủ để sống tử tế." Nếu đạt được điều đó rồi, chúng ta tiếp tục tới "Giá mà chúng tôi có một ngôi nhà nhỏ ở miền quê để trốn tới đó thì chúng tôi sẽ hạnh phúc biết bao." Tại mỗi nấc thành đạt trong chuỗi vô tận những điều không hài lòng này, chúng ta có ngày càng nhiều hơn sự giàu có vật chất, nhưng chẳng bao giờ là đủ để khiến chúng ta hạnh phúc. Chúng ta sống trong một thế giới của những giấc mơ không thành, trong đó chúng ta chưa bao giờ thực sự đi đến chỗ biết ra hay hiểu ra cái gì làm nên một cuộc sống có ý nghĩa.
Con người trong tương lai có thể sẽ nhìn lại giai đoạn nền văn minh của chúng ta như là một thời đại của sự khiếm khuyết về mặt trí tuệ và kinh tế. Họ có thể sẽ thấy khó mà hiểu được làm sao chúng ta lại chấp nhận công kích và cạnh tranh như là chuyện bình thường. Một vài bậc làm cha mẹ còn cố đảm bảo tương lai cho con cái mình bằng cách cho chúng kết hôn vào trong một gia đình mà sự giàu sang được bảo đảm. Đây là một dạng làm điếm hay bán mình sao cho được giá cao nhất.
Trong một hệ thống của tiền tệ, nền dân chủ chỉ là một ảo tưởng được duy trì để cho dân chúng một cảm giác được tham dự vào một tiến trình được gọi là dân chủ. Nói chung, những kẻ được đề cử vào vị trí công vụ đã được lựa chọn trước bởi tầng lớp tinh hoa quyền lực để phục vụ cho lợi ích cao nhất của chúng. Các đảng phái chính trị là một ví dụ: một đại diện duy nhất của đảng phái này lên chương trình hành động chống lại một đại diện duy nhất của đảng phái kia. Ảo tưởng ở đây là dù ai trong hai kẻ này thắng cuộc thì cũng đều đại diện cho tất cả mọi người trong khu vực bầu cử - bất chấp kẻ đó thuộc về đảng phái hay triết lý chính trị nào.
Các hành động và quyết sách của đất nước được đưa ra bởi, và vì lợi ích của các tập đoàn lớn, các nhóm lợi ích, những kẻ giàu có nhất, và các tổ hợp quân sự-công nghiệp. Chừng nào tiền và hệ thống tiền tệ còn thắng thế thì nền dân chủ thực sự sẽ chẳng là gì hơn một ảo tưởng.
Chúng ta phải ngưng việc không ngừng đấu tranh cho quyền con người và công lý trong một hệ thống bất công đi, và bắt tay vào xây dựng một xã hội nơi mà các quyền bình đẳng là một phần không thể thiếu trong thiết kế.
Chừng nào chúng ta còn ở trong một hệ thống tiền tệ, thì hầu hết mọi người sẽ chẳng bao giờ có (đủ) tiền để cư xử một cách dân chủ. Một người có thể mong muốn một kiểu nhà hay xe nhất định, nhưng lại thiếu tiền để mua nó. Làm thế nào mà người này nhận được lợi ích từ tiến trình dân chủ hay sự tự do lựa chọn? Ấy thế nhưng chúng ta (Hoa Kỳ) lại tuyên bố rằng mình có được hệ thống dân chủ cho ra một chính phủ tốt nhất trên thế giới. Trong thực tế thì chúng ta chỉ tự do tới chừng nào sức mua của chúng ta cho phép. Với tiền bạc tập trung vào tay của một số quá ít người, ngay cả sự tự do này cũng chỉ là ảo tưởng.
Bất chấp tuyên bố và tuyên truyền qua truyền thông của nó thế nào, Cục Dự trữ Liên bang kiểm soát hệ thống tiền tệ của chúng ta đó chẳng phải là một đại diện của chính phủ liên bang vận hành vì lợi ích của công chúng gì cả. Đúng hơn, gã "Fed" này là một tổ chức tư nhân vận hành bởi và vì lợi ích chỉ của cá nhân. Thậm chí lượng tiền được dự trữ còn nằm trong dấu hỏi.
Cục Dự trữ Liên bang, một thiết chế tư nhân được đặt tên một cách lừa đảo, có ảnh hưởng cực kỳ to lớn lên chính phủ của chúng ta, lên các nhà lãnh đạo của nó, lên các tài khoản tiết kiệm cá nhân của chúng ta, và rộng hơn là lên việc có bao nhiêu người trong chúng ta sẽ có được việc làm. Cục Dự trữ Liên bang, chứ không phải là chính phủ, có sự kiểm soát lên toàn bộ việc cho vay tiền. Nó đặt ra tỉ suất lãi, và vì thế giữ ảnh hưởng ghê gớm về mặt chính trị.
Nhưng hệ thống Dự trữ Liên bang không phải là thiết chế tư nhân duy nhất thao túng hệ thống kinh tế của chúng ta. Các nhà băng sử dụng một tiến trình gọi là "hoạt động ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ" cho phép chúng cho vay nhiều hơn số tiền gửi mà chúng có, đảm bảo cho các khoản cho vay. Nghĩa là khi đó chúng thu tiền lãi trên số tiền mà chúng không có. Qua tiến trình này, các nhà băng cho vay ra ít nhất mười lần hơn số tiền chúng có dự trữ, việc này làm giảm giá trị của tiền tệ và dẫn tới lạm phát. Chẳng có gì ngạc nhiên khi những tòa nhà mới nhất và to nhất ở các thành phố lại thuộc về các nhà băng. Nếu chúng ta mà hành xử như các nhà băng thì chúng ta sẽ bị kết tội lừa đảo (còn bọn họ thì không).
Kiểu thực hành này không phải là chuyện mới. Năm 1881, James Garfield đã chỉ ra, "Bất kể ai kiểm soát lượng tiền trong bất cứ đất nước nào thì sẽ là ông chủ tuyệt đối của mọi ngành công nghiệp và thương mại. Và khi anh nhận ra rằng toàn bộ hệ thống bị điều khiển theo một cách này hay cách khác bởi một số ít người chóp bu quyền lực, anh sẽ không cần ai phải nói cho biết những thời kỳ lạm phát và suy thoái phát sinh ra làm sao."
Những kẻ cho vay tiền tư nhân sớm hiểu ra lợi ích cực lớn của việc cho các quốc gia vay tiền để tham chiến, khi mà các khoản trả nợ được đảm bảo bằng thuế của người dân các nước đó.
Việc này đem lại lợi nhuận hơn nhiều so với cho các cá nhân vay. Các nhóm lợi ích tài chính và các tập đoàn vì thế xúi bẩy các cuộc chiến và những tranh chấp khác cho tới tận ngày hôm nay.
Hệ thống tiền tệ tránh khủng hoảng do sức mua kém của các cá nhân và các công ty nhỏ bằng cách chống đỡ cho nền kinh tế với những khoản tiêu vào quân sự, các khoản phúc lợi tập thể và các quỹ dùng cho nghiên cứu tiến hành bởi các ngành công nghiệp tư. Chính phủ mượn tiền từ các tổ chức tư nhân cho vay để trợ giúp cho nền kinh tế trong các lĩnh vực này. Nó làm tăng khoản nợ quốc gia trong khi lại hướng sự chú ý của công chúng khỏi các vấn đề của quốc gia, chẳng hạn như việc cắt các khoản chi cho Ủy ban Cựu chiến binh, cắt hỗ trợ cho người nghèo, cho giáo dục, cho các vấn đề môi trường, v.v.. Trong nhiều trường hợp, chính phủ của chúng ta và các tập đoàn sử dụng chính những trang thiết bị và lực lượng quân sự của chúng ta để dập tắt những thay đổi xã hội mang tính cách mạng ở đâu đó trên thế giới, trong khi tạo ra một ảo tưởng về giàu có thịnh vượng ở nước nhà.
Amschel Rothschild, một trong những kẻ hưởng lợi thời kỳ đầu của hệ thống ngân hàng tư nhân, đã tuyên bố, "Cứ cho tôi quyền lực điều hành và kiểm soát dòng tiền của một quốc gia thì tôi chả thèm bận tâm ai là kẻ làm ra luật của nó làm gì." Như cái cách được ứng dụng ngày nay, quyền lực tài chính thực sự là thứ thế lực phi luân.
Một hệ thống dân chủ thực sự chỉ có tác dụng khi tất cả người dân được tiếp cận tới cùng các cơ hội cho sự phát triển của cá nhân và sự tăng trưởng kinh tế chung. Đấy thì lại không phải là mục đích của một hệ thống dựa trên tiền tệ.
Trong một hệ thống khởi nghiệp tự do, những người thiết kế ra và xây dựng nên một khu trượt tuyết nghỉ dưỡng không đệ trình bản thiết kế ra để tất cả mọi người tham gia bầu chọn. Thay vào đó, họ để nó tuân theo nhu cầu của thị trường, nghĩa là, theo ý muốn của những ai có đủ điều kiện để trượt tuyết. Nếu họ đưa ra đủ tiện nghi mà những người trượt tuyết muốn và có khả năng chi trả thì khu nghỉ dưỡng ấy sẽ thành công. Một hệ thống thành công phải phục vụ được nhu cầu của tất cả mọi người. Có nhiều người dù muốn trượt tuyết nhưng lại không có đủ điều kiện để làm thế.
Các lựa chọn được giới hạn ở mức mà chỉ một nhóm người nhất định có thể đủ điều kiện. Đấy gọi là chủ nghĩa tinh hoa. Bất kể khi nào có liên quan tới tiền thì khi đó sẽ có chủ nghĩa tinh hoa. Những kẻ kiểm soát sức mua thì sẽ có ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với những kẻ khác.
Nhiều năm trước, nhân dân Mỹ đã bị đánh thuế để làm đường cho ô tô chạy. Họ đâu có bỏ phiếu cho sự phát triển này. Các ngành công nghiệp ô tô và xe buýt, các nhà vận động hành lang cho ngành kinh doanh bất động sản và ngành quân sự tác động rất nhiều tới sự phát triển của các xa lộ và hệ thống đường bộ, cho dù tiềm năng dành cho các hệ thống vận chuyển khác sạch hơn nhiều, hiệu quả hơn nhiều và kinh tế hơn nhiều so với ô tô là lớn, nhưng chúng đều bị bán và triệt phá bởi các nhóm lợi ích đại diện cho ngành công nghiệp ô tô.
Và giờ chúng ta có một hệ thống giao thông quá đắt đỏ mà nhiều người không thể có đủ khả năng tham gia vào. Trong trường hợp này, nền dân chủ phục vụ cho cái gì và cho ai? Hàng triệu người Mỹ bị đánh thuế cho các xa lộ mà không những họ không được nhận chút lợi ích gì mà còn được chứng minh là nguy hiểm, kém hiệu quả và đắt đỏ với tư cách một phương cách vận chuyển.
Trong hệ thống tiền tệ hiện tại của chúng ta, các tổ chức định chế tư nhân cất giấu một lượng lớn tri thức hữu ích thay vì công bố nó cho toàn dân. Trong một thế giới thương mại, ngày càng độc quyền, trong đó ngay cả các giáo sư đại học cũng giữ bản quyền những ghi chép từ bài giảng của mình, có một sự chuyển dịch đáng buồn từ tinh thần tiên phong sang tâm thái của kẻ bán hàng.
Vài công ty gần đây đã đệ trình và nhận bằng sáng chế trên mã di truyền của hai người đàn ông miễn dịch với AIDS. Các công ty này đã không tạo ra hay sở hữu vật chất di truyền, họ cũng đã không khám phá ra nó một cách độc lập khỏi sinh thể mang những gien này. Thế nhưng họ lại nhận được bằng sáng chế trên gien của những người sống. Đây có phải là nền dân chủ đang vận hành không? Vào lúc tôi viết cuốn này, một trong những người đàn ông đó đã dọa đưa vấn đề ra pháp lý. Thay vì nâng cao điều kiện sống của con người, khoa học gia ngày càng biến thể thành doanh nhân, đấu giá sao cho lợi ích thu được của ông ta là cao nhất.
Vì lý do này, nhiều công nghệ mới đang nằm trong tầm kiểm soát của các tổ chức tư nhân thay vì ở phạm vi dành cho lợi ích công cộng.
Nhiều vị anh hùng trong quá khứ đã được vinh danh vì sự hy sinh bản thân trong một nỗ lực khiến cho thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn. Hàng ngàn người đã hy sinh sự sống của mình cho những người khác. Những người này thường hành động như họ đã làm mà không nghĩ gì tới những phần thưởng bằng tiền bạc.
Lời nói dối to tướng được lặp đi lặp lại bởi những kẻ nắm quyền kiểm soát hệ thống tiền tệ là chỉ có cạnh tranh mới tạo ra động lực. Hệ thống này được bảo là sẽ cung cấp việc làm và sự khích lệ người ta làm việc, thế nhưng nó cũng tạo ra lòng tham, tham nhũng hối lộ, tội phạm, tham ô biển thủ, v.v.. Đã hàng thế kỷ, các chính phủ vẫn đã trực tiếp và gián tiếp lập trình các công dân của nó với các hệ giá trị có tác dụng duy trì mãi sự điều khiển của chúng. Chúng đã sử dụng tâm trí con người như một bãi rác chứa những giá trị và khái niệm của riêng chúng, và khuyến khích những kiểu mẫu thuộc về hành vi mà sẽ tạo ra những cảm giác tội lỗi trong họ khi có bất cứ lúc nào định rời bỏ các giá trị của hệ thống đã được thiết lập đó.
Cùng lúc, những nhóm quyền lực này đã bóp nghẹt sự phát triển của cá nhân bằng việc khuyến khích nuôi dưỡng những nhóm dân phục tùng, những kẻ thiếu thông tin và sự sáng suốt để đặt câu hỏi, "Chính xác thì các giá trị của tôi đến từ đâu?"
Hệ thống tiền tệ đặt một sức căng khủng khiếp không cần thiết lên các nguồn lực, tài nguyên sẵn có, và từ chối lợi ích của việc sản xuất hàng loạt đối với không biết bao nhiêu triệu người. Trong một xã hội dựa trên tiền tệ, lợi nhuận thu được tùy thuộc vào việc duy trì một sự khan hiếm giả tạo các loại hàng hóa và dịch vụ, và/hoặc vào sự cố tình rút bỏ tính hiệu quả của quá trình sản xuất.
Thay vì thiết kế các mẫu ô tô có thể chạy tốt trong rất nhiều năm, các nhà sản xuất phí phạm một lượng năng lượng khổng lồ để thay đổi thiết kế mỗi năm nhằm cạnh tranh chiếm thị phần với các nhà sản xuất khác cũng chế tạo các loại máy móc có cùng chức năng. Một điều tra quân sự gần đây về các catalog thương mại nhận dạng tới trên 300 loại dụng cụ vặn ốc (cờ lê, mỏ lết) chỉ khác nhau chút xíu mà nhiều trong số đó có thể thay thế cho nhau được. Trong khi dụng cụ vặn ốc là một công cụ hữu ích, nhưng phục vụ cho mục đích gì mà cần tới trên 300 mẫu khác nhau có chút xíu? Sự phí phạm vật liệu và tài nguyên khủng khiếp đến từ mỗi công ty trong việc thực hiện những công việc giấy tờ, quảng cáo, sản xuất, v.v.. không cần thiết và thừa thãi.
Một ví dụ khác có thể trông thấy được là khi một ai đó nhắc tới chuyện quốc gia trên truyền hình. Người xem sẽ trông thấy hàng tá những chiếc mic khác nhau, mỗi cái đại diện cho một tổ hợp truyền thông đang ganh đua, khi mà chỉ cần một hay hai cái mic là đủ để thuật lại sự kiện đó trên toàn thế giới.
Hãy xem xét cả ngành công nghiệp thời trang nữa, nơi mà phục trang thay đổi liên tục để thúc đẩy người ta bỏ tiền ra mua những mốt mới nhất.
Ở Hoa Kỳ trong những thời kỳ xảy ra "phá giá", sữa và các sản phẩm nông nghiệp khác đã bị đem hủy để duy trì các mức giá bán cao hơn. Liêm sỉ để ở đâu? Chúng ta tin vào "phẩm giá" của lao động trong khi lại cho phép các sản phẩm của lao động bị đem ra phá hủy. Sự hủy hoại có tính chất tương tự là sự lỗi thời cố tình, nơi mà các ngành sản xuất công nghiệp cố ý tạo ra những sản phẩm dễ hỏng hóc và đòi hỏi phải thay thế hay sửa chữa một cách không cần thiết.
Trong ngành công nghiệp máy bay, việc bán phi cơ vận tải kích cỡ lớn không phải là nguồn thu chính. Các khoản lợi nhuận lớn đến từ việc bảo trì và thay thế các bộ phận máy bay. Đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự với sự phụ thuộc của nó vào thị trường. Những thay đổi bên phía bán ảnh hưởng tới chi phí nhiều hơn là những thay đổi về điệp vụ bay. Trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều loại súng và pháo chống máy bay được chế tạo với các bộ phận không thể dùng loại khác thế vào được. Các bộ phận từ một công ty này sẽ không khớp vào với các loại súng của một công ty khác.
Ngày nay Quốc hội thúc giục Bộ Quốc phòng "tiết kiệm tiền" bằng cách mua thiết bị thương mại sẵn có. Nhìn bề ngoài, việc mua các thiết bị đã có sẵn rồi, thay vì phát triển các thiết bị riêng biệt dùng cho quân sự, có vẻ là hợp lý. Nhưng các thiết bị quân sự phải có khả năng liên vận cũng như có thể hỗ trợ trên toàn thế giới, và phải vận hành được trong những môi trường mà thiết bị thương mại khó có thể đáp ứng được. Các máy tính cá nhân được gửi đi cùng với các toán quân trong chiến dịch Bão Sa mạc, chẳng hạn, hỏng hàng trăm cái do bởi cái nóng cực độ và cát trên địa hình Kuwait. Thay vì mua các bộ phận cho một kiểu máy tính duy nhất, giờ đây quân đội phải dàn xếp với đủ loại nhà bán lẻ cùng với các thiết bị, bộ phận, công cụ của chúng.
Tiền thuế của chúng ta chảy ra bên ngoài rất xa khỏi các kênh của chính phủ. Điều này hẳn không làm ai ngạc nhiên cả. Một cuộc điều tra ngân sách quốc phòng hàng năm lôi ra vô số các vụ mua bán có sự chấp thuận của Quốc hội những thiết bị và dịch vụ không được dùng cho mục đích quân sự. Thế nên ngoài việc mua hàng hóa của cá nhân anh giúp cho các công ty tiếp tục làm ăn được, tiền thuế của anh cũng đi vào túi chúng luôn.
Hơn một nửa thế kỷ trước, công ty Điện chiếu sáng Hoa Kỳ trao cho nhà sáng chế năng động Hiram Maxim của nó khoản trợ cấp suốt đời 20 ngàn đô la mỗi năm và đẩy ông ta sang Anh. Bọn họ cần gạt bỏ ông ta bởi vì ông ta không ngừng sáng chế ra các cải tiến. Sức sáng tạo của ông khiến cho các thiết bị của bọn họ trở nên lỗi thời trước khi có đủ thời gian bán hàng để trả cho nó.
Thật không may cho nước Mỹ, Maxim đã sản sinh ra một số những sáng chế vĩ đại nhất của ông tại nước Anh. Ông được phong hiệp sĩ vì những thành tựu xuất sắc, cùng trong thời gian đó, công ty Điện chiếu sáng Hoa Kỳ bị bật ra khỏi lĩnh vực kinh doanh. Ngày nay ở Nhật Bản, vòng đời của các thiết bị điện tử trước khi bị lỗi thời là xấp xỉ ba tháng.
Một hệ thống tiền tệ đã tồn tại hàng nhiều thế kỷ và, dù chúng ta có nhận ra hay không, nó đã luôn được sử dụng để điều khiển hành vi của những ai chỉ có một lượng tiền hạn chế trong tay. Chỉ khi các tài nguyên, nguồn lực là khan hiếm thì một hệ thống dựa trên tiền tệ và đổi chác mới có thể vận hành được.
Nói cách khác, nếu một người muốn có hàng hóa và dịch vụ, anh ta hay cô ta buộc phải tuân theo sự điều khiển của những kẻ khác. Ngày nay, khi một người đến làm việc trong ngành công nghiệp nào đó thì cũng đồng nghĩa là anh ta hoặc cô ta bước chân vào một môi trường độc tài tư nhân, từ thời khắc họ bấm máy chấm công cho tới khi họ rời khỏi cơ quan.
Chúng ta đã quá chậm trễ để tiến hành việc truy xét một cách nghiêm túc và đại tu một cách căn bản hệ thống kinh tế và hệ tư tưởng của mình. Việc gắng sức tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề đồ sộ trong phạm vi xã hội hiện thời của chúng ta sẽ chỉ có tác dụng vá víu tạm thời, kéo dài sự tồn tại của một hệ thống đã lỗi thời. Nhớ rằng, những lợi thế của chúng ta (Hoa Kỳ) đã có từ sự cách xa về địa lý khỏi những nước láng giềng thù địch, từ việc có đủ loại tài nguyên thiên nhiên, đất đai thì màu mỡ, và rất nhiều đóng góp của các nhà sáng chế và các kỹ sư, những người đã phát triển nền công nghệ sản xuất của chúng ta.
(Chương 6 cuốn "THE BEST THAT MONEY CAN’T BUY - BEYOND POLITICS, POVERTY, & WAR" của nhà tương lai học Jacque Fresco)