🇨🇲 Camerun. Tiền và giá cả.
Post
Cancel

🇨🇲 Camerun. Tiền và giá cả.

Hãy nói về tiền ở Camerun.

Đồng tiền Cameroun là đồng cfa ( đọc là xê pha). Đôi khi còn gọi là xof hay xcfa. Mệnh giá nhỏ nhất Michel thấy là xu 25 cfa. Nhưng phổ biến mua bán hàng hóa thông thường thì tối thiểu là 100 cfa. Với những thứ có giá lẻ 50 cfa thì ít và nếu là 25 cfa thì càng ít nữa. Có thể ở chợ lẻ hoặc quán ăn nhỏ mới trả lẻ đén 50 cfa.

Quy đổi: Nếu muốn tính ra tiền Việt Nam đồng thì gần đúng có thể nhân với 40 lần là ra. Những ngày đầu tiêu dùng thường làm phép nhân này để so sánh đắt rẻ với giá ở nhà. Ví dụ với 200 cfa ( tầm 8k vnd) có thể có một suất ăn sáng nhẹ nhàng là một bát đậu đỏ hầm và 4 cái bánh rán, hoặc một cái bánh mỳ nhân cá sardine, hoặc một ly cà phê nestle và một mẩu bánh mỳ nhỏ.
Tỷ giá so với đô la Mỹ tầm 1usd = 57x cfa. Chợ đen Douala ngày 15/10 có thể đổi 590. Còn đổi ở Express Exchange thì chỉ 565.
Yaunde ( Yde) thì không biết chợ đen ở đâu vì Michel không ở đó lâu, nhưng nếu Bertoua thì không có chợ đen đổi đô, phải đổi EE đắt lòi, thiệt mất bao nhiêu. Nói chung có usd thì cứ đổi trước ở Douala trước khi đi vùng khác.
Trường hợp có Nhân dân tệ Trung Quốc thì có thể đổi giá 85, 86, 87 tùy đại lý. Cái này không rõ lắm.

Tiền mặt: dân đây dùng tiền mặt chủ yếu và hầu hết. Thẻ ngân hàng và dịch vụ ngân hàng chưa phát triển. Thanh toán không dùng tiền mặt chắc còn là một tương lai xa vời. Dân đây chuyển tiền hay dùng Orange Money và Express Union. Đăng ký thì đơn giản, chỉ cần dùng số điện thoại ra đại lý OM và EU khắp nơi. Chỉ có điều phí dịch vụ đắt nếu muốn rút ra xài, và không tiền với những giao dịch lớn ( tầm vài triệu cfa thì đợi nhân viên nó đếm trong 20-30 phút) vì nó không dùng máy đếm tiền, và bọn nhân viên không có kỹ năng đếm tiền nhanh, vậy mới chuối.

Cho nên, kể cả các giao dịch lớn, dân TQ VN v.v... thích dùng tiền mặt. Vừa không tốn phí lại nhờ kỹ năng đếm nên tính ra lại là tiện. Tuy nhiên rủi ro là lúc nào cũng mang cái ba lô nặng nặng cũng ngại, nếu không có oto thì cũng hơi phiền. Cất xiền trong nhà cũng là giải pháp không ổn vì an ninh ở đây rất kém. Vì sự an toàn của bản thân, hãy nói không với \"cash trong nhà\".

Ngân hàng như đã nói không phát triển và khi đăng ký cũng lằng nhằng. Với kiểu hoạt động du kích tránh kiểm soát như ta thì dùng ngân hàng cũng ko phải là giải pháp tốt, dễ bị soi mói. Hiện giờ dùng CCA khá ổn, rút nhanh gửi nhanh. Chỉ là với giao dịch lớn 1 tí ( từ 1 triệu) thì mang cho chủ quỹ kiểm tra và kỹ. Hiện giờ sau 2 tháng hoạt động cũng chưa thấy nó hỏi han gì, chắc cũng ổn. Vì nó hoạt động như 1 cái quỹ nên chắc cũng ổn, và mong là nó vẫn sẽ ổn.
Tất nhiên, để chắc ăn cứ nên chọn vài đường đi để tránh bỏ hết trứng vào một giỏ. Nhược điểm của cash là phải đi lại nhiều, rủi ro trên đường và nếu ko tránh phố tắc đường thì đúng là ác mộng. Douala cũng có đặc sản tắc đường giống như nhiều thành phố lớn khác thôi.

Giá cả bình quân xin được cập nhật như sau:
- Giá phòng khách sạn trung bình: 15k-20k /ngày đêm
- Giá một bữa ăn trong khách sạn: 3k-6k
- Taxi: thuê riêng thì tầm 3k/giờ hoặc theo điểm đến tùy xa gần, không có công tơ mét.
- Taxi bus: cái này rẻ, Từ Yassa về Nkoti có 200-300 cfa. Chịu khó ngồi chật, ai lên cũng được, trả giá tài xế đồng ý thì đi. Cái này rẻ hơn xe ôm.
- Xe ôm: 1k/giờ. Đi xa thì đi kiểu này tốn và thậm chí xe ôm nó không đi. Yass-Nkoti tầm 1k.
- Thuê nhà 2 phòng ngủ, 2 phòng khách tại Yassa :150k - 200k/tháng và trả trước 1 năm. Có tường rào.
- Nhà 4 phòng ngủ, 2 phòng khách lớn, tất nhiên có bếp và vệ sinh, chỗ để xe ô tô tầm 450k/tháng. Có tường rào, ngoài ngõ có barie.
- Xe khách Douala-Bertoua giá chuẩn 7k/người/lượt. Trên đường đi sẽ bị dừng lại hỏi giấy tờ bởi công an, sẽ bị dừng và hỏi vài lần.
- Lương đầu bếp quán ăn siêu nhỏ tầm 50-60k/tháng.
- Lương nhân viên thường tầm 120k-150k/tháng.
- Đi xe máy không có bằng lái sẽ bị đòi tầm 5k-10k. Nếu lơ ngơ không có tiền lẻ thì sẽ bị chém 15k-20k.

Đời sống dân đây nói chung là không cao, cứ nhìn đường xá và dịch vụ là biết. Đến cái taxi cũng thấy nát bét mà nó đi lại nghênh ngang ngoài đường. Về giao thông và văn hóa đi lại sẽ có ở bài viết khác.

Riêng tiền lẻ cũng đã là một nỗi niềm khôn thấu. Kinh nghiệm là nên đổi được và chuẩn bị tiền lẻ càng nhiều càng tốt. Sẽ rất tiện cho cả đôi bên. Trên taxi nó còn hay có biển: hãy lường trước việc đổi tiền lẻ. Có hôm mình đói mà vào cái boutique trong cây xăng mà nó không có tiền để trả lại, lại thôi không mua nữa đói meo cả bụng. Mà đó là vấn đề chung rồi, nghĩa là thà nó kệ để mình trả lại hàng chứ nó còn chẳng thèm đi đổi tiền cho mình. Đến cả cây xăng vốn là nhiều tiền nó cũng chẳng thèm đổi.

Trên cao tốc đoạn gần Yassa hướng cầu Dibamba có mấy đứa đứng đó đỏi tiền lẻ. Còn không thì thường hãy vào ngân hàng, bảo đổi monnaie là nó đổi cho. Tóm lại là hãy đổi tiền lẽ cho dễ tiêu dùng.

Ở đây còn có văn hóa tip. Dĩ nhiên mình cũng a dua theo thôi. Nó không sòng phẳng kiểu HN mà giống như SG, hay tip. Khi ăn uống, khuân vác, hoặc làm dịch vụ tốt. Nhưng cũng có khi quá, nó thấy mình \"da trắng\" lại hay mè nheo, nếu không tỉnh táo và sáng suốt rất dễ rơi vào tình trạng \"bị xin đểu\" và \"bị bóc lột\". Đặc biệt là trẻ con đi theo bầy rất đáng thương, nhưng nếu không cẩn thận thì sẽ trở thành nạn nhân.

Dân đây nhiều khi phải nói là \"tay không bắt giặc\". Khi nó muốn làm gì đó cho mình, hãy luôn nghĩ rằng nó sẽ xin mình. Cho nên nếu có thể thì hãy không dây dưa dính mắc gì với họ, bất kể họ là ai.

Vậy là tạm xong về tiền. Hôm sau ta sẽ bàn về giao thông.

This post is licensed under CC BY 4.0 by the author.